Tin tức

Nhà mạng nào tiên phong 'bắt tay' với nhắn tin miễn phí?



Ông Nguyễn Nhật Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Vinasa - chia sẻ trên VTC2: ”Cấm OTT đương nhiên là không khả thi, song câu chuyện ở đây là nhà mạng nào đi tiên phong chịu thay đổi trước thì sẽ chiếm được thị phần lớn hơn”.

Trong khi người dùng được hưởng lợi, thì các nhà mạng viễn thông lại đang bị thất thu lớn trước làn sóng OTT (Over The Top). Thống kê của MobiFone cho thấy, chỉ riêng với ứng dụng Viber - một trong những ứng dụng OTT phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam, tổng doanh thu của 3 mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel bị sụt giảm khoảng 127 tỷ đồng chỉ trong một tháng. Đó là còn chưa kể, các dịch vụ OTT mới liên tục ra đời và tiếp cận đến người dùng ngày càng gia tăng.

“Cách đây một năm, tôi đã từng dự báo rằng, 2 năm nữa làn sóng mobile sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam., hiện nay đã đi được một nửa chặng đường. Với tốc độ phát triển này, hết năm 2013, giữa 2014, sóng mobile sẽ chiếm lĩnh hành vi của người dùng trên smartphone. Lượng truy cập Internet trên mobile sẽ lớn hơn lượng truy cập trên máy tính cá nhân, và các ứng dụng sẽ không chỉ dừng lại ở thoại và tin nhắn truyền thống nữa”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc khối thương mại điện tử của công ty VCCorp nhận định.

 
Sự ưa chuộng của người dùng đối với OTT đang buộc nhà mạng phải tính đến phương án phát triển mới,với những giải pháp năng động hơn và phù hợp xu hướng của thế giới.

Trong khi đó, nhiều năm qua, doanh thu chính của các nhà mạng là từ dịch vụ tin nhắn SMS và gọi thoại. Tuy nhiên, hiện tại các ứng dụng OTT trên nền Internet đã đáp ứng được nhu cầu về cả SMS và thoại, vì thế, những người dùng smartphone có xu hướng đổ dồn sang các ứng dụng đó để được miễn phí, thậm chí, OTT còn có nhiều tiện ích hơn nữa.

“Ví dụ, CMS giới hạn 160 kí tự và gõ có dấu giới hạn 70 - 72 kí tự nhưng ứng dụng OTT có thể gõ được đoạn chat dài và các sticker biểu hiện cảm xúc phong phú, đa dạng. Đó là những thích thú của người dùng đối với OTT mà nhà mạng cần để ý” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Sự ưa chuộng của người dùng đối với OTT đang buộc nhà mạng phải tính đến phương án phát triển mới với những giải pháp năng động hơn và phù hợp xu hướng của thế giới.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên – Phó tổng giám đốc công ty MobiFone khi chia sẻ với VTC2 đã thừa nhận: thất thoát nặng nề… là thực tế khiến nhà mạng như MobiFone phải tính toán để đảm bảo kinh doanh.

Còn ông Zhao Wei Jun – Tổng giám đốc Huawei Việt Nam cho rằng: “Tôi nghĩ tại Việt Nam có thể chủ động hơn, vì nhờ những tính năng dịch vụ hấp dẫn của OTT mà nhiều người dùng đã chuyển từ 2G sang 3G, đó không phải là tiềm năng để lưu lượng dữ liệu 3G được khai thác tốt, nhiều hơn sao? Cái đó mới là nguồn lợi các nhà mạng nên tính đến”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vương Quang Khải – Phó tổng giám đốc công ty cổ phần VNG – chủ quản dịch vụ Zalo cũng khẳng định: “Tốt nhất là các nhà mạng và OTT hợp tác với nhau để mang lại lợi ích cho người dùng và cùng chia sẻ doanh thu trên các dịch vụ giá trị gia tăng”.

Thị trường OTT cạnh tranh khốc liệt

Trên thực tế, không ít các nhà cung cấp dịch vụ OTT như Line, Zalo, Viber đã chủ động tìm đến các nhà mạng với đề xuất hợp tác cùng phát triển và chia sẻ doanh thu. Điều được các đơn vị cung cấp OTT coi là đáng mừng nhất – chính là giờ đây các nhà mạng đã không còn nhìn nhận một cách tiêu cực về các dịch vụ OTT như ban đầu nữa. Và họ vẫn đang chờ đợi những tín hiệu trả lời lạc quan cho cơ hội hợp tác này.

Ông Nguyễn Nhật Quang – Phó chủ tịch hiệp hội Vinasa chia sẻ trên VTC2: “Cấm OTT đương nhiên là không khả thi rồi, song câu chuyện ở đây là nhà mạng nào đi tiên phong chịu thay đổi trước thì sẽ chiếm được cái thị phần lớn hơn; có thể là mạng nhỏ lại có thị phần lớn hoặc nhà mạng lớn mà ngại thay đổi thì sẽ có thị phần nhỏ… sự cạnh tranh ở đây lại chính là giữa các nhà mạng…”.

Một lãnh đạo công ty hàng đầu về công nghệ internet cũng cho hay: Rất khó cấm OTT, ví dụ như Facebook, khi đã đạt được mức độ nhu cầu của người dùng quá cao thì không thể đưa ra quy định cấm. Hơn nữa OTT cũng không vi phạm điều luật gì của Việt Nam, vì vậy “các nhà mạng hoặc kết hợp với một đơn vị nào đó hoặc tự làm, chắc là họ đang băn khoăn về giải pháp” – vị này nhận xét.

Bên cạnh sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, các đơn vị cung ứng OTT cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi tham gia thị trường, vì không chỉ cạnh tranh ở thị trường nội địa mà cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn (VCCorp): “Những người làm OTT nên tỉnh táo, đừng bị cuốn vào cuộc đua mà nên tìm cho mình những hướng riêng. Vì thực tế người dùng không chỉ dùng một ứng dụng OTT mà có thể dùng nhiều ứng dụng OTT khác nhau, miễn là mỗi ứng dụng có một đặc thù riêng và đáp ứng nhu cầu cho người dùng riêng. Giống như ứng dụng Chat trên desktop, có người dùng Skype, có người thích dùng Yahoo, Facebook… tùy nhu cầu của người sử dụng”.

Vì thế, “đơn vị OTT nên chọn cho mình một lối đi riêng” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Giáo dục Việt Nam

Menu
Giới thiệu
Dịch vụ
Tin tức
Download
Khách hàng
Liên hệ
Giới thiệu
Giới thiệu Univinet
Hướng dẫn và hỗ trợ
Đội ngũ & phòng ban
Giai đoạn phát triển
Dự án đầu tư
Dịch vụ
Thiết kế web
Dịch vụ tên miền
Dịch vụ hosting
Quảng bá website
Thiết kế sáng tạo
call-button