Hệ thống bảo mật của Windows qua các phiên bản (phần 2)
6. Windows Server 2003 - 'Khởi đầu không như mơ'
Vào tháng 1 năm 2002, hệ thống bảo mật của Microsoft đã có những khoảnh khắc lóe sáng, với bức thư nổi tiếng của Bill Gates gửi tới toàn bộ nhân viên. Trong bức thư này, Bill Gates nhấn mạnh tới việc tập trung phát triển và cải thiện hệ thống bảo mật trên hệ điều hành của mình và đưa ra khái niệm Trustworthy Computing. Nỗ lực của “gã khổng lồ” phần mềm này cũng đã được đền đáp, khi họ trở thành hình mẫu cho những công ty phần mềm khác noi theo trong việc phát triển các công cụ bảo vệ thông tin của người dùng.
Tuy nhiên, thành quả đạt được về bảo mật của Microsoft chưa thể bao phủ toàn bộ các sản phẩm của hãng. Chính vì vậy, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi phát hành Windows Server 2003, các kỹ sư của Bill Gates đã phải tung ra một bản vá lỗi bảo mật. Theo đó, các trang web có nội dung xấu hoặc chứa mã độc hại hoàn toàn có thể làm tê liệt hệ thống máy chủ. Lỗ hổng này có liên quan đến trình duyệt web Internet Explorer 6 được tích hợp trên Windows Server 2003 cũng như các phiên bản hệ điều hành khác của Microsoft.
Mặc dù, gặp phải một số rắc rối ngay khi mới phát hành, nhưng Windows Server 2003 vẫn được các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá là an toàn hơn nhiều so với tất cả các phiên bản hệ điều hành trước đó của hãng.
7. Windows Vista - Thành quả của sự nỗ lực
Sau khi Bill Gates có những cam kết với cộng đồng IT, toàn bộ nguồn nhân lực của Microsoft đã rất cố gắng để phát triển một phiên bản hệ điều hành đáp ứng được sự chờ đợi của người dùng về vấn để bảo mật, đó chính là thời điểm Windows Vista xuất hiện. Khi mà hầu hết các lỗ hổng bảo mật trên phiên bản hệ điều hành mới đã được khắc phục, Windows Vista vẫn gặp một số sự cố từ các cuộc tấn công của những loại virus mới, bao gồm, sâu Storm gây ảnh hưởng lớn cho hàng triệu máy tính trên thế giới và trojan Zeus với khả năng ăn cắp thông tin tài khoản ngân hàng.
Windows Vista ra đời với rất nhiều cải tiến bảo mật, nhưng đáng chú ý nhất chính là chức năng User Account Control (UAC). Nó cho phép người dùng có thể điều khiển máy tính thoải mái trong phạm vi an toàn đối với hệ thống, từ đó giảm thiểu những thiệt hại do các phần mềm độc hại gây ra. Bên cạnh đó, hệ điều hành mới còn được Microsoft bổ sung thêm chương trình chống phần mềm gián điệp, tăng cường bộ lọc chống lừa đảo trên trình duyệt Internet Explorer 7 và mặc định vô hiệu hóa Active X. Một tính năng bảo mật khác là Bitlocker (chương trình mã hóa) cũng được bổ sung trên Windows Vista.
8. Windows Server 2008 - Giảm thiểu các cuộc tấn công
Microsoft giới thiệu tới người dùng phiên bản hệ điều hành dành Windows Server 2008, với sự bổ sung của tính năng Server Core. Tính năng này cung cấp một môi trường tối thiểu để vận hành các vai trò máy chủ cụ thể, giảm bớt các yêu cầu về bảo trì, quản lý và bề mặt tấn công đối với những vai trò máy chủ đó.
Theo Microsoft, tính năng này giúp giảm thiểu đáng kể bề mặt tấn công của hệ điều hành đồng thời giảm đến 70% các cuộc tấn công vào lỗ hổng bảo mật so với 5 năm trước đây.
9. Windows 7 - Chặn đường sống của virus Autorun trên USB
Thời đại của Windows 7 mở ra với những vấn đề bảo mật không đáng kể. Vẫn có những lỗ hổng cần phải vá lại, chẳng hạn như lỗi Zero-Day liên quan đến giao thức chia sẻ thông tin Server Message Block, tuy nhiên nó không quá nghiêm trọng như những gì mà Microsoft đã gặp trong quá khứ. Bên cạnh đó, rất nhiều cải thiện về bảo mật đã được “gã khổng lồ” này đưa ra. Chương trình mã hóa Bitlocker trên Windows 7 đã được mở rộng hỗ trợ cả những thiết bị lưu trữ di động. Đối mặt với sự hoành hành và phát tán của sâu Conficker thông qua thiết bị lưu trữ USB, Microsoft đã lập trình để Windows 7 có cách thức “giao tiếp” mới với USB, khiến Conficker không thể tự động kích hoạt thông qua chức năng AutoRun.
10. Windows 8 - Mới nhất và an toàn nhất
Theo đánh giá của chuyên gia công nghệ Seth Rosenblatt, Windows 8 phát hành vào tháng 10 tới đây sẽ là hệ điều hành an toàn nhất từ trước đến nay của Microsoft, với nhiều tính năng bảo mật như: tăng cường sức mạnh cho phần mềm diệt virus Windows Defender tích hợp sẵn trên Windows 8, tính năng khởi động an toàn của giao thức UEFI (ngăn chặn sự tấn công của rootkit hay bootkit), tính năng SmartSceen Filter hỗ trợ các trình duyệt Web phổ biến Internet Explorer, Firefox hay Chrome để ngăn chặn các trang web lừa đảo và độc hại, cùng với đó là khả năng quản lý mật khẩu đăng nhập các dịch vụ trên Internet rất thông minh.
Hải phong
Theo Infonet.vn