Các mạng xã hội trong nước 'khát' ứng dụng nội dung
Nguyên nhân do doanh nghiệp vẫn còn hoài nghi với mô hình kinh doanh này, một số thì đắn đo lựa chọn mô hình trong nước hay ngoài nước, những rắc rối phát sinh...
![]() |
Các mạng xã hội trong nước dù ít nổi tiếng nhưng chính sách đãi ngộ với CP (content provider - nhà cung cấp nội dung) khá tốt. Họ sẵn sàng chia sẻ cho các CP những sản phẩm nào họ đang thiếu, những sản phẩm nào đang thừa để các CP có định hướng sản phẩm tốt hơn, cơ hội thành công cao hơn. |
Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc công ty Eleven Communication, một trong những đơn vị tham gia hợp tác với mạng xã hội trong nước từ rất sớm về những vấn đề trên.
- Ông đánh giá như thế nào về mô hình kinh doanh thông qua việc lập trình ứng dụng trên mạng xã hội ?
Bất cứ ứng dụng thương mại nào trên mạng xã hội nào cũng phải giải quyết bài toán về thị trường và nguồn khách hàng. Các mạng xã hội hiện nay đã giải quyết được bài toán trên bằng lượng thành viên sẵn có. Điều còn lại là làm sao để kinh doanh hiệu quả. Dĩ nhiên không phải dễ thành công nhưng theo tôi, so với mô hình truyền thống, mô hình kinh doanh ứng dụng trên mạng xã hội đã được thừa hưởng hai yếu tố là khách hàng và thị trường. Điều mà không phải mô hình nào cũng làm được, nhất là trong thời điểm hiện nay.
- Đâu là những yếu tố để làm nên một sản phẩm thành công thưa ông ?
Theo tôi, dù là ứng dụng hay trò chơi trên mạng xã hội đều phải tận dụng được hành vi chia sẻ của người dùng, đây là thói quen không thể thiếu của các thành viên mạng xã hội. Do đó, quan trọng nhất vẫn là khâu ý tưởng và thiết kế sản phẩm. Những sản phẩm càng dễ sử dụng, tính xã hội càng cao thì càng nhanh chóng được cộng đồng chấp nhận. Các ứng dụng như Draw Something hay Instagram đều thành công trên công thức đó.
Về mặt kỹ thuật, tôi không nghĩ một sản phẩm tốt đòi hỏi một kỹ thuật cao siêu hay công nghệ nổi trội vì hiện nay, các nền tảng lập trình trên mạng xã hội đều được các nhà cung cấp chia sẻ đến từng chi tiết. Điều cần quan tâm, theo tôi, là kỹ thuật lập trình có thể đáp ứng nhiều đối tượng kết nối vào ứng dụng trong cùng một thời điểm.
- Ông có lời khuyên gì khi phải quyết định lựa chọn giữa các mạng xã hội trong nước và nước ngoài ?
Đây là điều mà các CP (content provider - tạm dịch nhà cung cấp nội dung) luôn cân nhắc, và cái tên Facebook luôn luôn được nhắc đến trên bàn thảo luận. Lý do thì quá rõ ràng, Facebook là một mạng xã hội nối tiếng, đa dạng đối tượng sử dụng và quan trọng nhất là lượng thành viên đã đạt con số một tỷ. Tuy nhiên, cái giá của sự nổi tiếng là các sản phẩm khi đặt trên Facebook sẽ chịu nhiều sự cạnh tranh hơn.
Ngược lại, các mạng xã hội trong nước dù ít nổi tiếng nhưng chính sách đãi ngộ với CP khá tốt, họ sẵn sàng chia sẻ cho các CP những sản phẩm nào họ đang thiếu, những sản phẩm nào đang thừa để các CP có định hướng sản phẩm tốt hơn, cơ hội thành công cao hơn.
Thậm chí có mạng xã hội còn đi cùng CP từ khâu ý tưởng đến khâu ra sản phẩm bằng cách điều lập trình viên tham gia cùng các dự án của CP, hỗ trợ miễn phí phí thuê máy chủ ban đầu...như trường hợp Zing Me chẳng hạn. Đây là những chính sách mà các mạng xã hội quốc tế vẫn chưa có.
- Nói như vậy ông ủng hộ “gà nhà” ?
Chính xác là như vậy, hiện nay, các mạng xã hội trong nước đang trong quá trình thu hút các nguồn lực bên ngoài tham gia để nâng cao chất lượng nội dung, hòng nâng cao vị thế của mình trước những mạng nước ngoài, như trường hợp Zing Me. Chính vì thế, họ sẵn sàng chia sẻ đến “tận ruột gan” với các CP. Tuy nhiên, tôi chỉ dám khẳng định tại thời điểm hiện tại. Trong tương lai khi các mạng xã hội trong nước đã có đủ nguồn lực cần thiết, chắc chắn họ sẽ cân nhắc tiếp tục chính sách này hay không vì hiện chúng tiêu tốn rất nhiều công sức và chi phí của họ.
Bên cạnh đó, mặc dù ủng hộ các mạng xã hội trong nước, nhưng không phải mạng xã hội nào cũng có những chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển phù hợp với các CP. Để làm rõ điều này, các CP phải tự mình trải nghiệm, đặt vấn đề hợp tác với từng nhà cung cấp mạng xã hội.
- Nhưng hiện nay một số mạng xã hội trong nước vừa cung cấp nền tảng, vừa cung cấp ứng dụng hay nói cách khác là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Điều này làm các CP lo ngại rằng các ứng dụng của họ sẽ bị cạnh tranh bởi các ứng dụng của nhà cung cấp mạng xã hội, thậm chí có thể bị thay thế nếu ứng dụng đó thu hút được đông đảo người dùng. Ông nghĩ sao về vấn đề này thưa ông ?
Trước hết, chúng ta cần nhìn rõ về mối quan hệ giữa CP và các mạng xã hội. Theo đó, các mạng xã hội cung cấp người dùng, CP kinh doanh dựa trên lượng người dùng đó. Chất kết dính giữa CP và mạng xã hội là tỉ lệ chia sẻ doanh thu. Đến một lúc nào đó, quyền lợi đôi bên sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến rạn nứt rồi chia tay nhau. Đây là điều bình thường trong kinh doanh và diễn ra ở mạng xã hội trong nước lẫn ngoài nước.
Còn việc các mạng xã hội vừa cung cấp nền tảng vừa cung cấp ứng dụng, điều này vẫn thường thấy trong lĩnh vực trò chơi. Trong trường hợp này, các tập đoàn sẽ cố gắng dùng mạng xã hội của mình để ưu ái sản phẩm trò chơi của chính họ, tuy nhiên việc hợp tác với bên thứ ba vẫn được chấp nhận nhưng ưu đãi sẽ khó bằng. Tuy nhiên để kinh doanh trên mạng xã hội, không chỉ có trò chơi, các ứng dụng về nội dung (Content) vẫn là một mảnh đất màu mỡ. Theo quan sát của tôi, các mạng xã hội trong nước vẫn đang “khát” những ứng dụng dạng này.
Bản thân Eleven đang làm việc với cả mạng xã hội trong nước lẫn ngoài nước và phải nhìn nhận rằng có mạng xã hội trong nước như Zing Me có chính sách hỗ trợ, ưu đãi tốt hơn so với mạng nước ngoài. Nhưng tôi vẫn không dám chắc gì về những chính sách hợp tác của họ trong tương lai.
Tuy nhiên có hai điều mà tôi an tâm khi hợp tác với mạng xã hội trong nước là: thứ nhất, nhiệm vụ chính của các mạng xã hội là tạo nên cộng đồng. Họ không đủ nguồn lực vừa tạo cộng đồng vừa cung cấp nội dung. Mặt khác, các mạng xã hội quốc tế đều quy định rất rõ ràng trong việc kinh doanh, đâu là phân khúc của họ, đâu là phân khúc dành cho bên thứ ba. Chính vì thế các mạng xã hội trong nước sẽ không dại gì vi phạm “luật bất thành văn” này để rồi mất các đối tác về tay đối thủ.
Thứ hai, dù bán bất cứ sản phẩm gì, quan điểm của tôi là đưa sản phẩm đến thị trường có người cần hơn là vội vàng lao vào thị trường đông đúc nhưng chưa xác định được lợi thế cạnh tranh.
- Một vấn đề khác là hiện nay, tỉ lệ chia sẻ doanh thu của các mạng xã hội trong nước khá cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào thưa ông ?
Đây là chiến lược kinh doanh của mỗi mạng xã hội, tôi xin không có ý kiến. Quan điểm của tôi về vấn đề này là nếu tôi có sản phẩm tốt, có chiến lược tiếp thị tốt tôi sẽ chọn lựa nơi nào chia sẻ lợi nhuận cao.
Ngược lại, nếu sản phẩm vẫn chưa đáp ứng một trong hai yếu tố trên nên chọn các mạng xã hội nào hỗ trợ về truyền thông, tiếp thị và kỹ thuật để ra sản phẩm hơn là chú trọng về chuyện chia sẻ doanh thu.
Theo tôi, các CP đừng nên cứng nhắc quá khi kinh doanh theo mô hình viết ứng dụng trên mạng xã hội trong nước, nên mở lòng và thậm chí là hãy thử…liều một phen.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn