Tin tức

‘Nokia đang trên đường xuống địa ngục’



Một cổ đông của Nokia đã nhận định như vậy trước khi hãng cho ra mắt chiếc Lumia 925, và thực tế đang dần chứng minh nhận định đó không phải không có căn cứ.
Các nhà đầu tư bi quan về tương lai của Nokia nếu còn tiếp tục gắn bó với Windows Phone.

Trên đường xuống địa ngục

"Ông là một người dễ mến. Ban lãnh đạo công ty cũng đã cố gắng hết sức, nhưng rõ ràng như vậy là chưa đủ. Ông có ý thức được công ty đang thực sự có vấn đề? Đường tới địa ngục luôn có sự đồng hành của những ý định tốt. Làm ơn, hãy chọn một con đường khác". Hannu Virtanen - một cổ đông của Nokia - đã nói như vậy với CEO Stephen Elop trong buổi họp trước thềm sự kiện ra mắt chiếc Lumia 925. Và nếu như một người từng “sống chết” với Nokia có những phát biểu như vậy, có lý do để tin rằng Nokia đang gặp vấn đề thực sự.

Hãng này vừa cho ra mắt chiếc Lumia 925 - sản phẩm mà Nokia đã quảng bá là “smartphone sáng tạo nhất từ trước đến nay”. Quả thật, chiếc Lumia 925 có một vài điểm sáng tạo, chẳng hạn như bộ khung bằng kim loại, thiết kế mỏng chưa đến 9 mm hay nhiều tính năng chụp hình mới, nhưng gom toàn bộ các chi tiết đó lại, Lumia 925 vẫn chỉ được xem là một smartphone thường thường bậc trung chứ không thể là một sản phẩm sáng tạo bậc nhất.

Trước đó ít ngày, hãng này cũng đã giới thiệu phiên bản Lumia 928 dành cho nhà mạng Verizon, với khác biệt lớn nhất so với 920 là dùng đèn flash dạng Xenon, cho khả năng chụp tối tốt hơn. Như vậy, nếu là một tín đồ của Nokia, bạn sẽ có đến 3 lựa chọn là Lumia 920, 925 và 928 với không nhiều sự thay đổi về cấu hình cũng như các tính năng đột phá.

3 chiếc smartphone cao cấp nhất của Nokia không có nhiều điểm đột phá về công nghệ cũng như cấu hình.

Ngược lại, khi nhìn sang điện thoại Android, người ta thấy được sự đa dạng về thiết kế (vỏ nhôm, vỏ nhựa, vỏ kính đều có cả), cấu hình cực kỳ mạnh mẽ và có thừa sự sáng tạo về tính năng (như trường hợp của Galaxy S4, HTC One). Với việc Nokia “đặt cược” số phận của mình vào Windows Phone, họ gần như phải một mình chống chọi với hàng loạt các đối thủ đến từ Android. Đó là chưa kể đến việc iPhone vẫn đang được xem là một tượng đài. Trong khi đó, 3 sản phẩm cao cấp nhất của hãng lại chẳng có mấy khác biệt, thì rõ ràng "đường xuống địa ngục" của Nokia đã dần hé mở.

Nỗi thất vọng mang tên Windows Phone

Không rõ Microsoft đã đổ bao nhiêu tiền để trợ giúp Nokia, khiến hãng này nhất quyết khai tử Symbian để “kết duyên” với Windows Phone 8, nhưng có một điều có thể thấy rõ, Windows Phone đang kìm hãm sự phát triển của Nokia.

Ở thời điểm năm 2011, khi các hãng đang ồ ạt phát triển smartphone lõi kép, Nokia tung ra Lumia 900 với chip lõi đơn với lập luận “lõi kép chỉ tổ tốn pin” (Stephan Elop nói). Tuy nhiên, thực tế thì Windows Phone 7 chưa thể hỗ trợ các sản phẩm lõi kép.

Bước sang năm 2012, Nokia tiếp tục ra Lumia 920 dùng chip lõi kép trong bối cảnh các hãng khác đã phát triển smartphone lõi tứ. Dù cho Windows Phone 8 có khả năng tối ưu hóa rất tốt, khiến cho sản phẩm của Nokia dù dùng chip lõi kép vẫn cho trải nghiệm mượt, tuy nhiên việc hệ điều hành này không tương thích với chip lõi tứ và màn hình Full HD đã “kìm chân” Nokia rất nhiều.

Đối với một hãng sản xuất lớn như Nokia, việc họ sản xuất một chiếc smartphone lõi tứ, màn hình Full HD chẳng có gì khó. Tuy nhiên, do những ràng buộc từ Windows Phone, họ buộc phải hài lòng với một sản phẩm màn hình 720p và dùng chip lõi kép.

Những cái bắt tay thật chặt giữa CEO Nokia - Stephen Elop và CEO Microsoft - Steve Ballmer.

Vấn đề ở đây là hiệu ứng truyền thông. Người dùng thực tế không cần đến một sản phẩm màn hình Full HD, bởi các chuyên gia đã khẳng định không có khác biệt lớn lắm về chất lượng hiển thị của một màn hình Full HD và màn hình 720p trên một thiết bị nhỏ như điện thoại, nhưng ở thời điểm hiện tại, một smartphone không thể được xem là thời thượng nếu không có màn hình Full HD. Ở cương vị người dùng đi chọn mua một chiếc smartphone cao cấp, rõ ràng phần lớn khách hàng đều muốn sở hữu sản phẩm mạnh mẽ nhất có thể.

Chẳng có hãng sản xuất nào chọn cách đi giống Nokia bởi đơn giản, họ không thể sáng tạo nếu bị phụ thuộc hoàn toàn vào một nền tảng đóng của một hãng khác. Apple, BlackBerry chọn cách phát triển một nền tảng của riêng mình để tự làm chủ. Sony, Samsung, HTC thì tìm đến với hệ điều hành mã nguồn mở Android mà ở đó họ được mặc sức tùy biến, thậm chí tùy biến đến mức người ta chẳng còn nhận ra đó là Android, như trường hợp của Amazon hay một số hãng sản xuất Trung Quốc.

Trong khi đó, việc duy nhất Nokia có thể làm là chờ đợi, chờ Microsoft hé lộ về một nền tảng Windows Phone 9 nào đó để có thể cho ra các sản phẩm đủ mạnh, nhằm “lấy lòng” những người dùng vốn đang trở nên ngày càng khó tính do họ có quá nhiều lựa chọn trong tay.

Trong bối cảnh hiện tại, một vấn đề cũ lại được đặt ra: liệu Microsoft thực sự muốn giúp đỡ Nokia hay đang muốn “bắt chẹt” hãng điện thoại Phần Lan, hòng thâu tóm một trong những đơn vị sản xuất phần cứng có tiếng tăm nhất trên thế giới?

Đức Nam

Theo Infonet

Menu
Giới thiệu
Dịch vụ
Tin tức
Download
Khách hàng
Liên hệ
Giới thiệu
Giới thiệu Univinet
Hướng dẫn và hỗ trợ
Đội ngũ & phòng ban
Giai đoạn phát triển
Dự án đầu tư
Dịch vụ
Thiết kế web
Dịch vụ tên miền
Dịch vụ hosting
Quảng bá website
Thiết kế sáng tạo
call-button